Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tạo hạt ướt
- Bởi : Dược sĩ Lưu Anh
- - Chuyên mục : Tin Tức Sức Khỏe
– Lượng tá dược dính
Khi tạo hạt trong thiết bị tầng sôi, quá trình thêm dịch lỏng và bay hơi dung môi xảy ra đồng thời. Vì vậy, các yêu cầu về tá dược dính được xác định chủ yếu bởi các điều kiện của quá trình, đặc biệt bởi nhiệt độ, tốc độ thổi gió và hàm ẩm của khi sử dụng.
Với thiết bị nhào trộn tạo hạt, quá trình tạo hạt xảy ra trong một khoảng giới hạn hẹp của độ bão hòa chất lỏng (S) và khoảng giới hạn này phụ thuộc vào công thức, loại thiết bị và điều kiện quá trình.
Yêu cầu về lượng dịch dính còn bị ảnh hưởng bởi khả năng bay hơi của dung môi (thường là nước), khả năng hòa tan của các thành phần dung môi.
– Đặc tính của nguyên liệu:
Đặc tính của nguyên liệu khác nhau, phân bố kích thước tiểu phân khác nhau dẫn đến yêu cầu lượng dịch dính và thời gian nhào trộn khác nhau.
Một số đặc tính của nguyên liệu ảnh hưởng đến quá trình tạo hạt là:
+ Góc tiếp xúc giữa dịch dính lỏng và chất rắn.
+ Độ tan của các hỗn hợp bột trong dịch dính.
+ Kích thước tiểu phân trung bình và phân bố kích thước của hỗn hợp.
+ Hình thái bề mặt và hình dạng tiểu phân.
+ Đặc tính sắp xếp của chất rắn.
Sức căng bề mặt của tá dược dính lỏng ảnh hưởng tới sự lớn lên của hạt vì nó ảnh hưởng đến độ bền của liên kết lỏng linh động.
Độ tan của các nguyên liệu đem tạo hạt trong dung dịch dính lỏng cũng ảnh hưởng đến quá trình lớn lên của hạt, tuy nhiên trong quá trình sấy, các chất rắn đã hòa tan sẽ tái kết tinh hoặc hóa rắn tạo cầu nối rắn, góp phần tăng cường độ chắc và ảnh hưởng đến tính chịu nén của hạt.
Kích thước tiểu phân càng nhỏ, lượng dịch dính lỏng yêu cầu càng nhiều để tạo hạt do ảnh hưởng trực tiếp đến độ xốp của khối bột và vì vậy ảnh hưởng đến độ bão hòa của dịch lỏng.
Đặc tính trơn chảy của nguyên liệu cũng ảnh hưởng đến lượng dịch dính lỏng yêu cầu, thông thường độ trơn chảy của nguyên liệu càng cao thì lượng dịch dính lỏng cần càng ít.
– Loại thiết bị sử dụng:
Thiết bị có ảnh hưởng lớn đến quá trình tạo hạt, trạng thái của khối hạt ướt phụ thuộc vào tổng hàm lượng ẩm và vào lực tác động của thiết bị lên khối ẩm. Điều này rất quan trọng khi cân nhắc sử dụng thiết bị và cho thấy sự cần thiết của việc đánh giá tỷ trọng hỗn hợp bột khi nghiên cứu quá trình tạo hạt.
Quá trình tạo hạt gồm một số bước sau:
– Chống vón các tiểu phân nguyên liệu cần tạo hạt bằng cách xay hoặc rây.
– Trộn khô các nguyên liệu đầu.
– Thêm tá dược dính dạng lỏng tạo khối ẩm.
– Xát hạt ướt qua lưới rây.
– Sấy hạt.
– Xay hoặc rây hạt khô thu được để hạt có phân bố kích thước theo yêu cầu.
Như vậy quá trình tạo hạt khởi đầu cho sự tạo các nhân cơ bản, và lớn lên do quá trình hợp nhất hoặc bồi dần. Từ hạt thu được, ta có thể đem đi sản xuất tiếp các giai đoạn tiếp theo để thu được sản phẩm cuối cùng đạt yêu cầu.
Không có phản hồi